KODOSHI – Nuôi con chuẩn Nhật, đề kháng khoẻ, trẻ ăn ngon

Tháp dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi mẹ không thể bỏ qua

Lượt xem:

199,803

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ ở mỗi độ tuổi là khác nhau để phù hợp với sự phát triển của cơ thể. Vì vậy cha mẹ cần nắm, bổ sung và lên thực đơn hợp lý các nhóm dưỡng chất phù hợp với từng độ tuổi của trẻ để trẻ phát triển một cách khỏe mạnh và toàn diện nhất. Tháp dinh dưỡng sẽ giúp cha mẹ định hướng được nhu cầu dinh dưỡng và lựa chọn loại thực phẩm nên và không nên ăn cho trẻ. Bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ tháp dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi từ khi lọt lòng cho đến khi dậy thì, hãy cùng theo dõi để chăm sóc con thật tốt nhé.

Tháp dinh dưỡng là gì? Ý nghĩa của tháp dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ

Tháp dinh dưỡng là một mô hình ăn uống được xây dựng theo hình dạng của một kim tự tháp, cung cấp thông tin chi tiết về các loại thực phẩm cũng như số lượng tiêu thụ dinh dưỡng trung bình trong một ngày, một tuần hoặc một tháng. Đây chính là mức tiêu thụ dinh dưỡng chuẩn của từng đối tượng được phân chia theo các nhóm thực phẩm khác nhau.

Tháp dinh dưỡng được các chuyên gia khuyên dùng nhằm giúp mọi người lên kế hoạch và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để bảo đảm sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

Đối với trẻ nhỏ, tháp dinh dưỡng có ý nghĩa như một công thức chuẩn giúp cha mẹ bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Cụ thể:

  • Tháp dinh dưỡng giúp cha mẹ định hướng được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ và lựa chọn được các loại thực phẩm phù hợp dựa vào hình ảnh gợi ý trên tháp. Đồng thời, hạn chế những thực phẩm không tốt hay gây hại đến sức khỏe của trẻ.
  • Tạo ra thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ, nhắc nhở bố mẹ về những thực phẩm trẻ nên và không nên ăn.
  • Gợi ý cho cha mẹ lựa chọn nhóm thực phẩm cho bữa ăn của trẻ dễ dàng hơn.

Nhờ đó, trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, giúp trẻ phát triển tối ưu nhất về cả thể chất và não bộ – Bé khỏe, bố mẹ vui.

Phân tầng tháp dinh dưỡng

Một tháp dinh dưỡng hợp lý có 7 tầng gồm 5 nhóm thực phẩm chính (gia vị muối – đường, chất béo, chất đạm, rau củ quả, ngũ cốc) và nước. Các loại thực phẩm được biểu diễn theo hình kim tự tháp với đỉnh là nhóm thực phẩm cần hạn chế, còn đáy là nhóm thực phẩm cho phép bổ sung nhiều hơn. Chi tiết các nhóm thực phẩm như sau:

  • Nhóm gia vị muối – đường: là nhóm cần hạn chế trong chế độ ăn hằng ngày.
  • Nhóm chất béo (dầu, mỡ): được khuyến khích bổ sung với một lượng nhỏ các chất béo lành mạnh, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ tim và chức năng não bộ. Ngoài ra còn là dung môi hòa tan các vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin E, K, D.
  • Nhóm chất đạm: gồm nguồn đạm từ động, thực vật như các loại thịt, thủy hải sản, trứng, đậu và nguồn đạm từ sữa và các chế phẩm từ sữa…
  • Nhóm rau củ quả: cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ cho cơ thể, được khuyến khích ăn nhiều trong chế độ ăn hằng ngày..
  • Nhóm ngũ cốc (lương thực): là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể gồm gạo, ngô, khoai lang, khoai tây, mì… và các chế phẩm chế biến từ chúng.

Tháp dinh dưỡng cho trẻ theo từng giai đoạn

Ở từng giai đoạn phát triển của trẻ sẽ có một nhu cần dinh dưỡng khác nhau để phù hợp với sự thay đổi của cơ thể nên tháp dinh dưỡng cho trẻ cũng được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Bao gồm:

Tháp dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi

Với trẻ dưới 1 tuổi chế độ dinh dưỡng của trẻ được chia thành 2 giai đoạn như sau:

  • Trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ. Sữa mẹ sẽ cung cấp đầy đủ nước, các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết như protein, vitamin, khoáng chất, chất béo… Và trẻ trong giai đoạn này nên được bú sữa mẹ hoàn toàn. Mẹ nên cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ thấy đói và cần cho trẻ bú ít nhất 8 lần trong ngày.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi: khi bước sang giai đoạn này trẻ đã có thể bắt đầu chế độ ăn dặm, bên cạnh sữa mẹ việc lựa chọn thực phẩm và lên thực đơn ăn dặm cho trẻ là vô cùng quan trọng . Điều này giúp trẻ có một thể chất tốt và trí tuệ nhanh nhạy. Dưới đây là tháp dinh dưỡng trong một ngày cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi theo chiều từ đỉnh xuống đáy tháp:
    • Tầng 1 – Gia vị (muối, đường): Không nên bổ sung cho trẻ.
    • Tầng 2 – Nhóm chất béo: khoảng 10ml/ngày.
    • Tầng 3: Nhóm chất đạm: cần bổ sung khoảng 18-20g/ngày.
    • Tầng 4 – Rau củ quả giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ: cho trẻ ăn khoảng 300g rau củ quả mỗi ngày.
    • Tầng 5 – Tinh bột: 60-120g/ngày.
    • Tầng 6 – Sữa: sữa mẹ, sữa công thức (470-920ml/ngày); sữa bò (120ml/ngày); phô mai (20-25mg/ngày).
    • Tầng 7 – Nước: nên cho trẻ uống ít nhất 120ml mỗi ngày.

Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 1 – 3 tuổi

Ở độ tuổi này trẻ vẫn chưa thể tự ăn uống một mình mà vẫn cần người giám sát và hỗ trợ trong quá trình ăn. Nguồn dinh dưỡng chính của trẻ vẫn đến từ cháo, sữa, bột ăn dặm, các loại thực phẩm mềm hoặc cơm.

Trong giai đoạn này cha mẹ có thể cho trẻ ăn 3 – 4 bữa chính chú ý cung cấp đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất chính:

  • Tinh bột (đỗ, gạo, bún, phở…)
  • Đạm (từ tôm, cua, cá, thị, trứng…). Ưu tiên ăn cả cái, không khuyến khích dạng nước ninh, hầm.
  • Chất béo (từ dầu ăn, mỡ động vật).
  • Vitamin và khoáng chất (từ trái cây, rau củ quả cắt, xay hoặc nghiền).

Cụ thể, tháp dinh dưỡng cho trẻ 1 – 3 tuổi như sau:

thap-dinh-duong-danh-cho-tre-nho-1-3-tuoi

  • Tinh bột: 60 – 120g/ngày. Trẻ dưới 2 tuổi cần khoảng 85mg ngũ cốc/ngày còn trẻ từ 3 tuổi cần 113 – 140mg ngũ cốc/ngày.
  • Đạm: 25 – 44g/ngày.
  • Chất béo: 20 – 40g dầu mỡ/ngày. Hạn chế lượng dầu mỡ đưa vào cơ thể bé quá nhiều.
  • Vitamin và khoáng chất: khoảng 300g rau củ/ngày và 220g trái cây/ngày. Khoáng chất khoảng 500 – 600mg/ngày trong đó tỷ lệ canxi/photpho=1/1,5 – 1/1,8 là tốt nhất. Vitamin A 400 – 450 mcg/ngày, Vitamin C 30mg/ngày và Vitamin D 400UI/ngày.
  • Sữa: khoảng 400 – 500ml/ngày.
  • Sắt: khoảng 7 – 8mg/ngày
  • Kẽm: từ 8 – 10mg/ngày.
  • Nên cho trẻ ăn nhạt, hạn chế tối đa lượng muối, đường.

Xem thêm BỔ SUNG ACID AMIN – GIẢI MÃ CÔNG THỨC CHO BÉ CAO LỚN, KHỎE MẠNH

Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3 – 6 tuổi

Từ 3 đến 6 tuổi là độ tuổi trẻ bắt đầu đến trường, học tập và vui chơi nhiều hơn nên cần nhiều năng lượng và dinh dưỡng. Đây cũng là giai đoạn trẻ phát triển nhanh về nhận thức, chiều cao và cân nặng. Do đó, ngoài bốn nhóm dưỡng chất chính, bổ sung một lượng sữa nhất định khoảng 500ml mỗi ngày sữa ít đường, sữa không đường hoặc sữa công thức để trẻ phát triển tối ưu nhất về cả trí tuệ và thể chất.

Tháp dinh dưỡng cho trẻ ở độ tuổi này gồm 7 tầng tương ứng với lượng thực phẩm trẻ cần ăn trong một ngày. Cụ thể, từ đỉnh xuống đáy tháp nội dung của các tầng lần lượt như sau:

  • Tầng 1: Gia vị mặn, ngọt
  • Tầng 2: Chất béo (dầu ăn, bơ, mỡ động vật)
  • Tầng 3: Sữa và các chế phẩm
  • Tầng 4: Đạm (thị, thủy sản, trứng, đỗ, đậu…)
  • Tầng 5: các loại ngũ cốc.
  • Tầng 6: Vitamin, khoáng chất và chất xơ từ các loại trái cây, rau củ quả.
  • Tầng 7: Nước.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần bổ sung đa dạng món ăn và tạo món ăn có sự hấp dẫn, điều này sẽ kích thích khẩu vị của trẻ hơn. Ngoài ra, cũng cần cho bé vận động thể lực để tốt cho sức khỏe và tăng cường đề kháng.

Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 6 – 11 tuổi

Tháp dinh dưỡng cho trẻ 6 – 11 tuổi cũng được phân thành 7 tầng, các nhóm thực phẩm từ trên xuống (từ đỉnh tháp xuống đáy tháp) được khuyến nghị ăn với hàm lượng khác nhau và tăng dần khi càng gần đáy.

Cụ thể dinh dưỡng cho trẻ giai đoạn này như sau:

thap dinh duong danh cho tre nho viet nam tu 6 den 11 tuoi

  • Gia vị: Mỗi ngày không bổ sung quá 15g đường và 4g muối.
  • Chất béo: Khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ từ 6 – 7 tuổi (5 phần); trẻ từ 8-9 tuổi (5,5 phần) và trẻ 10 – 11 tuổi (6 phần). Trong đó, một phần mỡ tương ứng với khoảng 1 thìa cà phê mỡ (~5g mỡ); một phần dầu tương ứng với khoảng 2 thìa cà phê (~5ml dầu ăn).
  • Đạm: 28 – 42g protein mỗi ngày tương đương 152 – 228g thịt lợn nạc, 4 – 5 quả trứng, 136 – 204g thịt bò, 284 – 426g gà (cả xương), 348 – 522g tôm.
  • Sữa và chế phẩm từ sữa: Khẩu phần cho trẻ 6-7 tuổi (4-5 phần); trẻ 8-9 tuổi (5 phần); trẻ 10-11 tuổi (6 phần). Trong đó, mỗi phần sữa hay chế phẩm từ sữa chứa khoảng 100mg canxi, tương đương 1 cốc sữa 100ml hoặc 1 hộp sữa chua 100g hay 1 miếng phô mai 15g.
  • Tinh bột: khẩu phần ăn mỗi ngày trẻ 6 – 7 tuổi (8 – 9 phần); trẻ 8 – 9 tuổi (10 – 11 phần); trẻ 10 – 11 tuổi (12 – 13 phần). Mỗi phần chứa 20g glucid tương đương ½ bát cơm trắng khoảng 55g, 1/2 bát nhỏ phở hoặc bún khoảng 60mg, 1 bắp ngô luộc khoảng 122g…
  • Rau củ quả, trái cây: Khoảng 150 – 300g rau củ quả mỗi ngày.
  • Nước: mỗi ngày uống khoảng 1.300 – 1.500ml. Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga hay chứa nhiều đường sẽ không tốt sức khỏe.

Tháp dinh dưỡng cho tuổi dậy thì (12 – 14 tuổi)

Dậy thì là độ tuổi trẻ phát triển vượt trội về chiều cao, cân nặng, các cơ quan trong cơ thể cũng như tâm sinh lý. Vì vậy, trẻ “dậy thì thành công” hay không một phần do chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Tháp cho trẻ từ 12 – 14 tuổi cũng gồm 7 tầng thể hiện mức tiêu thụ thực phẩm trung bình 1 ngày cho 1 người, tính từ đỉnh xuống đáy gồm gia vị (muối, đường), chất béo, sữa và chế phẩm từ sữa, đạm, rau của quả, tinh bột và nước.

thap-dinh-duong-tre-nho-12-14-tuoi

Bên cạnh đó, cha mẹ cần cho mẹ hoạt động thể lực khoảng 60 phút mỗi ngày, điều này giúp trẻ trao đổi chất tốt hơn thúc đẩy quá trình phát triển chiều cao và tăng cường thể lực cho trẻ.
Bài viết trên đã cung cấp đến bạn đọc tháp dinh dưỡng cho trẻ từ lúc sơ sinh đến dậy thì (0 – 14 tuổi). Hy vọng bài viết sẽ giúp bố mẹ xây dựng được chế độ dinh dưỡng tốt nhất phù hợp với độ tuổi của trẻ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện nhất. Nếu còn thắc mắc vui lòng để lại bình luận để được giải đáp.

ĐỂ LẠI SỐ ĐIỆN THOẠI - CHUYÊN GIA KODOSHI GỌI TƯ VẤN

bài viết liên quan

guest
0 Phản hồi
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

bài xem nhiều nhất

chuyên gia tư vấn

video nổi bật

Scroll to Top